Hành trình thiện nguyện thứ 6 của “Tôi yêu đồng bào tôi” đã hoàn thành sứ mệnh mang mùa xuân yêu thương gửi gắm trong những gói quà, tới trao tận tay 300 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn.

 
 

Trong những ngày đầu xuân mới, tôi lại nhớ về chuyến đi Bắc Kạn cuối tháng 1/2019.

1 tháng chuẩn bị
2 ngày hành trình
5 điểm trường 
300 suất quà
Hơn 500km cả đi và về

Sau những háo hức đợi chờ, cảm xúc còn đọng lại trong mỗi chúng tôi là niềm hạnh phúc. Ai đó có nói rằng, người biết cho đi là người hạnh phúc. Nhưng chúng tôi lại hạnh phúc vì nhận được những nụ cười hồn nhiên, trong trẻo.

Vì xuân là sẻ chia hạnh phúc, khơi nguồn nhựa sống

Tiếp nối truyền thống của 5 năm qua, trước ngưỡng cửa xuân sang, những người thực hiện chương trình thiện nguyện “Tôi yêu đồng bào tôi” cùng các nhà hảo tâm lại quyên góp, chuẩn bị các phần quà Tết để mang lên Tây Bắc. Điểm đến của hành trình năm nay là huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn – nơi có nhiều người dân tộc thiểu số vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống. 

Đường đi từ Hà Nội lên huyện Chợ Đồn không tính là xa, nhưng mất gần bốn tiếng chúng tôi mới đến nơi. Và thêm hơn một tiếng nữa để di chuyển qua quãng đường 20km từ nơi nghỉ của đoàn tới điểm trường gần nhất – trường tiểu học Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn). Đoạn đường ấy có chỗ đang làm dở, ngổn ngang đá và đất đỏ trơ lòng, bốc bụi mịt mù. 

Có quãng, con đường vắt vẻo kéo dài qua sườn núi như thách thức vực sâu đang há miệng chực chờ. Bề ngang dù cũng đủ để hai chiếc xe tải ngược chiều tránh nhau nhưng con đường như lọt thỏm giữa sự mênh mông, bao la của đất trời, bé nhỏ vô cùng. Nhìn ra ngoài cửa kính xe, không ít lần tôi thầm cầu nguyện anh tài xế vững tay lái. Vì mé đường bên vực thẳm không có rào chắc chắn, thi thoảng có vài khúc tre cắm hờ hững làm hàng rào chỉ càng khiến người ta thêm ái ngại.

Dù có nhiều nỗ lực đầu tư từ Nhà nước nhưng giao thông đi lại còn chưa thuận tiện, lại thêm địa hình đồi núi hiểm trở, thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám nhiều người dân nơi đây. Chiếm vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế vẫn là nông nghiệp. Song, canh tác trên đất núi từ bao đời nay chẳng mấy dễ dàng thế nên kinh tế huyện Chợ Đồn chậm phát triển cũng là điều dễ hiểu. Đến nay Bắc Kạn vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. 

Những suất quà Tết sớm được các đoàn từ thiện như “Tôi yêu đồng bào tôi” mang tới bà con là sự sẻ chia, lan tỏa yêu thương để góp lửa cho mùa xuân thêm đong đầy hạnh phúc, ấm áp no đủ, cũng là tiếp sức cho những bàn chân nhỏ đến trường học con chữ, học lấy kiến thức để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 

Tinh thần này đã được chúng tôi tiếp nối và lan tỏa trong 6 năm nay. Xuân Kỷ Hợi 2019, “Tôi yêu đồng bào tôi” trao tặng 300 suất quà cho 300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Mỗi suất quà gồm: 1 đôi ủng cao su, 1 tấm chăn ấm, 1 áo khoác, 2 hộp bánh xốp, 1 hộp bánh ngọt, 1 bút bi, 1 hộp siro ho bổ phế Thanh Mộc Hương, 1 chai nước súc miệng chống sâu răng Mẹ Tấm cho trẻ em, 1 hộp màu sáp Thiên Long. Ngoài ra mỗi điểm trường còn nhận được 1 bộ loa thùng, 2 lưới cầu lông, 4 bộ vợt cầu lông, 2 quả bóng chuyển, khăn quàng đỏ, quần tất và 4 thùng kẹo.

Cô giáo Triệu Thị Dư (phụ trách chuyên môn điểm trường Tà Han, thôn Tà Han, huyện Chợ Đồn) chia sẻ với chúng tôi, phần lớn học sinh ở đây tự trèo đèo lội suối đi học với quãng đường trung bình dài 3km. Bố mẹ đều bận việc trên nương nên sự quan tâm dành cho các con không được nhiều. Tết đến nhiều nhà còn chẳng nghĩ tới chuyện sắm sửa. 

“Tết năm trước không có gì. Tết này có bánh kẹo cho các em. Mùa đông có chăn ấm, áo ấm. Tiền cho bao nhiêu cũng hết, nên những quà tặng như này là ý nghĩa nhất dành cho các em” – cô Dư nói. 

Vì xuân là những đốm lửa hồng

Đáng nhớ nhất trong hành trình này là chặng đường di chuyển lên phân trường Phiêng Đén (thuộc điểm trường Tiểu học Tân Lập) nằm cách điểm trường chính khoảng 6km đường đồi núi vừa xấu, vừa khó đi, vừa nguy hiểm. Đường lên Phiêng Đén không thể đi ô tô. Chúng tôi có 2 lựa chọn: đi bộ hoặc xe máy.

Chúng tôi “leo núi” bằng xe máy, tất nhiên là dưới sự cầm lái của những người Mông, người Dao bản địa. Trận mưa mấy hôm trước khiến con đường mòn nhão nước, đất quánh lại và hằn sâu vết bánh xe máy, mới cũ chồng lên nhau lẫn lộn. Những vết hằn sâu hơn có thể là từ những chuyến xe chở 51 phần quà Tết mà các thầy cô giáo ở điểm trường chính đã nhờ người dân chở lên Phiêng Đén dùm. 

Trên con đường đất trơn trượt, gồ sống trâu dẫn ngược lên núi, có đoạn rộng chỉ vừa cho một chiếc xe máy đi qua, lại lởm chởm đá sắc nhọn ấy, dắt theo cái xe cũng chẳng dám chứ nói gì đến chuyện khác. Có đoạn đường tôi khăng khăng đòi đi bộ, không dám ngồi xe máy mặc cho anh bạn người Mông quả quyết: “Không sợ đâu mà!”.

Cuối cùng, cả đoàn cũng đến Phiêng Đén an toàn. 

So với các điểm trường mà “Tôi yêu đồng bào tôi” đến thăm trong mùa xuân Kỷ Hợi, Phiêng Đén là điểm trường nghèo nhất, khổ cực nhất, lại ở trên cao nhất. Cuộc sống nơi lưng chừng núi vẫn còn rất hoang sơ, nghèo nàn. 

“Điện, đường, trường, trạm” vốn là những cơ sở hạ tầng thiết yếu, cơ bản cho cuộc sống ở bất cứ đâu. Phiêng Đén cái gì cũng có, nhưng cái gì cũng thiếu. 

Phiêng Đén có đường. Nhưng là đường núi đồi đi miết, đi mòn mà thành. Thầy Triệu Văn Dương (Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Lập) chia sẻ, khó khăn, thiếu thốn nhất ở Phiêng Đén vẫn là đường đi. “Người dân cũng không dám xuống núi thường xuyên. Gặp mùa mưa, có khi hàng tháng trời họ không rời khỏi nhà” – thầy Dương nói. 

Phiêng Đén có điện. Nhưng điện mới về bản từ năm 2017 và vẫn là “mặt hàng” xa xỉ với người dân nơi đây. Vài ba chiếc bóng đèn LED tiết kiệm điện chẳng đủ để thắp sáng cả bản làng khi bóng tối phủ xuống núi đồi. 

Phiêng Đén có trường. “Trường học” là ngôi nhà vách gỗ, mái tôn tuềnh toàng, chứa chưa tới 10 bộ bàn ghế. Đặc biệt với mình, nhưng là điều bình thường ở vùng cao, học sinh ở 2 khối học khác nhau có thể cùng chia sẻ không gian vừa là trường học, vừa là lớp học này. Đến giờ đến tiết, hai lớp cứ quay lưng vào nhau mà học. 

Trao quà cho các em học sinh tại phân trường Phiêng Đén (xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn). Ảnh: Senlus

 

Trước khi đến Phiêng Đén, tôi không nghĩ rằng cuộc sống ở đây vẫn khó khăn, túng thiếu đến vậy. Nhưng sự hồn nhiên, lanh lợi, đáng yêu, ham học của những đứa nhỏ của miền sơn cước khiến tôi cảm nhận rõ hơn hơi thở mùa xuân và hy vọng một ngày đất nước mình thay da đổi thịt. 

Giữa triệu triệu đốm lửa xuân của đất trời đang bừng lên trên muôn ngàn cây cối, thì “Tôi yêu đồng bào tôi” cũng là một đốm lửa hồng bền bỉ mang sức trẻ và lòng thương yêu nhiệt thành đến với đồng bào Việt Nam, trước hết là những người còn thiếu thốn hơn đang ở vùng trời Tây Bắc. 

Một số hình ảnh về chương trình "Vui xuân Bắc Kạn 2019":

Tết ngọt ngào trên những bản làng vùng cao
Hàng chục chiếc "dream chiến" giúp chở quà Tết từ chân núi lên Phiêng Đén tặng các em học sinh
Lớp học đơn sơ giữa núi rừng
Thầy Triệu Văn Dương (Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Lập) chia sẻ về cuộc sống của các học sinh ở Phiêng Đén 

 

“Tôi yêu đồng bào tôi” là chương trình thiện nguyện thường niên, có sứ mệnh mang những mùa xuân yêu thương tới đồng bào Việt Nam ruột thịt trên khắp cả nước.

Hành trình mùa thứ 6 mang chủ đề “Vui xuân Bắc Kạn 2019” đã diễn ra vào ngày 24-25/1/2019. 

Ra đời vào năm 2014, mục tiêu của chương trình là mang đến đồng bào nghèo những mùa Tết ấm cúng. Từ đó tới nay “Tôi yêu đồng bào tôi” được tổ chức hàng năm vào dịp trước Tết Nguyên đán với ý nghĩa ngày càng mở rộng: Chia sẻ yêu thương; Thúc đẩy và lan tỏa giá trị Sống đẹp trong cộng đồng; Truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực cho các em nhỏ nơi vùng sâu vùng xa đến lớp, đến trường, vươn lên trong cuộc sống; Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cá nhân…

Qua 6 năm liền, “Tôi yêu đồng bào tôi” đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các cơ quan, tổ chức tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Sen Cộng, Công ty Sông Đà 6, Công ty cổ phần Tiếp thị & Truyền thông Celadon, Công ty cổ phần Sao Hà Nội... 

Bài viết:
Minh Phương
Ảnh:
Minh Phương
Thiết kế:
Minh Phương

Hãy cùng chia sẻ để lan tỏa niềm cảm hứng này

 
^ Back to Top